Đánh giá Chủ_nghĩa_Marx–Lenin

Chủ nghĩa Marx – Lenin vẫn luôn bị nhiều học giả phương Tây phê phán vì theo quan điểm của họ mô hình xã hội chủ nghĩa là một xã hội độc tài và không tưởng. Dưới tác động của những cuộc đấu tranh của dân chúng và ảnh hưởng của các đảng cánh tả, các nước phương Tây có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã được điều chỉnh một cách phù hợp để trở nên văn minh và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với việc tích lũy tư bản dựa trên giá trị thặng dư do người lao động làm ra, các nước lớn can thiệp vào nước khác để giành ảnh hưởng địa chính trị và các cuộc khủng hoảng kinh tế thực tế vẫn đang diễn ra.

Các nhà nước Xã hội chủ nghĩa lấy của chủ nghĩa Marx – Lenin làm cơ sở lý luận, song do nhiều nguyên nhân, lý luận này và các thực tiễn ở tại một số nước bị biến tướng thành những dạng ý thức hệ và áp dụng rất cực đoan (như chủ nghĩa Stalin hay chủ nghĩa Mao hoặc Thuyết Chủ thể "Juche" và Chính sách Quân đội trước tiên "Shogun" của Bắc Hàn). Vào năm 2007, Hoa Kỳ đã khánh thành "Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản". Hội đồng Âu châu vào đầu năm 2006 đã biểu quyết Nghị quyết 1481 nhằm kết án chế độ cộng sản là "chế độ diệt chủng", tuy nhiên Nghị quyết đã không giành đủ 2/3 số phiếu cần thiết (chỉ có 99/317 phiếu thuận) nên Nghị viện đã không thể thông qua những khuyến cáo cụ thể đối với các nước thành viên.[7]

Tại NgaĐông Âu, các nhà nước Xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ vào thập niên 1990. Nhà nước Liên Xô, thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, một biểu tượng thật thành công của chủ nghĩa Marx – Lenin trên quê hương của Lenin chỉ tồn tại được 74 năm. Dù vậy, những thành tựu và giá trị tốt đẹp vốn có thời Xô viết vẫn không phai nhạt trong tâm trí nhiều người Nga. Đảng Cộng sản Liên bang Nga hiện vẫn giành được nhiều sự ủng hộ của nhân dân và là chính đảng lớn thứ 2 nước Nga, chỉ đứng sau Đảng Nước Nga thống nhất hiện đang cầm quyền. Tháng 7 năm 2004, Bộ Giáo dục Nga cho xuất bản lại bộ giáo trình tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 2005, kết quả một cuộc điều tra dư luận của hai cơ quan độc lập nổi tiếng ở Nga cho thấy: 66% người Nga ngày nay cảm thấy nuối tiếc cho sự sụp đổ của Liên Xô; 76% số người cho rằng Liên Xô có rất nhiều điểm đáng để tự hào.[8]

Trong khi đó, những người ủng hộ chủ nghĩa Marx – Lenin lên án chủ nghĩa tư bản bóc lột và gây sự bất công thu nhập, lối sống cá nhân ích kỉ hay thi hành chủ nghĩa thực dân (trong quá khứ) và "chủ nghĩa thực dân mới". Họ chống lại chế độ phong kiến, chế độ quân chủ và chủ nghĩa tư bản. Họ chỉ trích sự cạnh tranh hỗn loạn của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ, điều mà Marx đã thấy trước từ những năm 1850 và tới nay vẫn đúng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2010, ngay cả những học giả mạnh mẽ ủng hộ lý thuyết "tự tổ chức hiệu quả" của chủ nghĩa tư bản cũng đã buộc phải xem xét lại lý thuyết của mình. Alan Greenspan (Giám đốc Cục dữ trữ Liên Bang Mỹ – FED) đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 10 năm 2008 rằng: "Các lý luận trí óc (về sự thích ứng của chủ nghĩa tư bản) đã hoàn toàn sụp đổ. Tôi đã sai lầm trong giả định cho rằng lợi ích của các tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng và những người khác, sẽ thúc đẩy họ có khả năng tốt nhất trong việc bảo vệ tài sản của mình và cổ đông... tôi đã bị sốc"[9]